Hành trình tìm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn

Dù đã trải qua tới 800 năm sau cái chết của vị hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử đế chế Mông Cổ, các hoạt động tìm kiếm mộ của ông vẫn tiếp tục diễn ra. Để phục vụ cho mục đích này, người ta không chỉ triển khai nhiều công nghệ mới, mà còn huy động sự giúp đỡ của người dùng internet trên khắp thế giới. Điển hình như các nhà khảo cổ học nghiệp dư đã sử dụng các bản đồ của Google xây dựng bằng các tấm ảnh chụp từ vệ tinh cho mục đích trên. Có vẻ như họ đang tiến gần tới mục tiêu đã đề ra.

Vị đại đế yên nghỉ ở vùng núi Khentii?
 
Việc tìm ra lăng mộ của người sáng lập ra đế chế Mông Cổ vẫn đang là một giấc mơ khiến nhiều người phải khao khát. Một số muốn qua đó có thể xác định rõ được nguyên nhân cái chết của ông vua đã chinh phục một phần lớn địa cầu, một số khác lại thèm khát những báu vật được cho là đã chôn cùng với ông, trong khi một số lại đơn giản chỉ mong muốn có được "vòng nguyệt quế vinh quang" với tư cách người khai phá đầu tiên.
Cho tới giờ, địa điểm chính xác của lăng mộ Thành Cát Tư Hãn vẫn được bao phủ đằng sau một lớp màn bí mật chưa thể xuyên thủng. Nhà sử học nổi tiếng thời Trung cổ Rashid al-Din trong cuốn sách “Tuyển tập các biên niên sử” đã viết như sau về cái chết của Thành Cát Tư Hãn: "Thành Cát Tư Hãn chết trong lãnh thổ xứ Tây Hạ vì bệnh tật.
 
Trong thời gian diễn ra lễ tang hướng tới địa điểm an nghỉ cuối cùng của Thành Cát Tư Hãn, binh lính đã sát hại tất cả những người tình cờ chứng kiến sự kiện này. Tiếp sau việc các nô lệ đào mộ bị giết sạch, các binh lính trông coi và những đao phủ đã sát hại họ cũng không tránh khỏi số phận tương tự. Theo một số truyền thuyết, ngôi mộ sau đó đã được che giấu dưới một khu vực nuôi ngựa, trồng cây và thậm chí còn nằm dưới dòng chảy của một con sông - tất cả chỉ nhằm một đích duy nhất là đảm bảo cho sự an nghỉ vĩnh viễn của Thành Cát Tư Hãn.
Ngoài ra, sau cái chết của vị thống soái vĩ đại trên, còn nảy sinh một truyền thuyết dựa trên nền văn học dân gian Trung Á cảnh báo về cái chết của bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm tới chốn an nghỉ của ngài. Tuy nhiên, tất cả những truyền thuyết kiểu trên (không hề hiếm tại phương Đông) cũng không thể ngăn nổi những tay thợ săn khao khát tìm kiếm châu báu. Chẳng hạn theo một truyền thuyết khác, mộ của Thành Cát Tư Hãn thật ra đã bị khai quật chỉ 30 năm sau cái chết của ông ta.
Một số chuyên gia cho rằng, nên tìm kiếm mộ Thành Cát Tư Hãn tại Tuva, do đây chính là quê hương của người sáng lập ra đế chế Mông Cổ hùng mạnh. Lý do là đa phần các nhà sử học đều đánh giá, tổ tiên của Thành Cát Tư Hãn hoặc là xuất thân từ vùng Sayano-Altaia (thuộc về Tuva ngày nay), hoặc là tại vùng tây bắc Mông Cổ (khu vực hồ Khuvsgul – là nơi sinh sống của người Tuva bản địa).
 
Tất nhiên không phải ai cũng đồng ý với giả thuyết trên. Cần biết là sau khi bị sáp nhập vào đế chế Mông Cổ vào năm  1207, các bộ lạc sống tại khu vực Tuva vẫn rất kiên trì đấu tranh chống lại quân chiếm đóng. Chẳng hạn những người Tumat có tinh thần thượng võ lần đầu tiên đã nổi dậy chống lại quân Mông Cổ vào năm 1217. Họ đã tuyệt vọng chiến đấu chống lại một đội quân đông đảo do Thành Cát Tư Hãn điều tới.
 
Sau đó, bộ lạc này còn phải chịu một vài chiến dịch thanh trừng do Thuật Xích, con trai cả của Thành Cát Tư Hãn, chỉ huy. Nhưng ngay cả sau khi cuộc khởi nghĩa của người Tumat bị dập tắt, một loạt các bộ lạc khác vẫn thi nhau nổi dậy chống đối. Thành Cát Tư Hãn mãi về sau mới cơ bản dập tắt được làn sóng chống đối này vào năm 1225, tức là chỉ hai năm trước khi qua đời.
 
Tất cả những dữ kiện trên chỉ làm gia tăng mối hoài nghi về sự hiện diện của người Tuva trong lực lượng bảo vệ Thành Cát Tư Hãn. Nguyên nhân đơn giản là một “kẻ chiếm đóng vĩ đại” như ông ta khó có thể lại được chôn tại vùng đất đã thấm đẫm máu của cư dân bản địa qua hàng loạt các cuộc thanh trừng do ông ta ra lệnh.
 
Hợp logic hơn cả vẫn là khả năng tìm kiếm nơi an nghỉ của Thành Cát Tư Hãn tại những khu vực sinh sống của các bộ lạc trung thành với ông ta. Cũng dựa vào nhận định trên, một đội thăm dò quốc tế bao gồm các nhà khoa học Mỹ và Mông Cổ đã tập trung sự chú ý vào vùng núi Khentii phía đông bắc Mông Cổ (gần biên giới với Nga).
 
Cũng tại nơi đây vào đầu những năm 1960, một đoàn thám hiểm hỗn hợp các nhà khoa học CHDC Đức và Mông Cổ đã phát hiện được nhiều xương sọ, đinh, gạch lát và phần nền sót lại của một ngôi đền. Phía trên người ta cũng tìm thấy hàng trăm ngôi mộ đá trong có các bộ giáp sắt, đầu mũi tên nhưng lại không phát hiện dấu vết của việc mai táng.
 
Sau khi Liên Xô tan rã, một đoàn thám hiểm của Nhật Bản với sự tài trợ của tờ báo Yomiuri Shimbun đã có mặt tại chính nơi đây. Sự kiện trên dù được giới báo chí rất quan tâm và khuấy động, nhưng các kết quả khảo cổ học gần như chỉ là con số không. Năm 2001, một chuyến thám hiểm khác dưới sự chỉ đạo của cựu thương gia nổi tiếng Maury Kravitz từ Chicago lại tiếp tục làm "nổi sóng" dư luận, dù Chính phủ Mông Cổ sau đó đã cấm nhóm này tiếp tục các hoạt động khảo sát tại ngọn núi trên.
 
Tại một khu vực được mệnh danh là Almsgiver's Wall, người ta đã khai quật được ngôi mộ của một người lính gác ở khoảng thế kỷ thứ X. Rốt cuộc thì cuộc khảo sát cũng bị loại bỏ sau hàng loạt các trường hợp bất hạnh đã xảy ra, khiến một tờ báo đã phải nhận định đó chính là lời nguyền từ lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn.

Đăng nhận xét